Tháng 3/2022 Hoà Phát lập kỷ lục về sản lượng bán HRC nhờ nhu cầu nội địa tăng cao

Thép tấm cuộn cán nóng HRC
Thép tấm cuộn cán nóng HRC – BAOGIATHEPXAYDUNG.COM

Tháng 3/2022, Tập đoàn Hòa Phát đã cung cấp cho thị trường 296.000 tấn thép cuộn cán nóng (HRC). Đây là mức sản lượng cao nhất từ khi Hòa Phát bắt đầu cung cấp HRC cho thị trường từ tháng 11/2020.

Sản lượng bán hàng HRC của Hoà Phát tháng 3/2022 tăng 24% so với tháng 2/2022 và tăng 25% so với tháng 2/2021. Theo ông Trần Ngọc Ân – Phó Phòng Kinh doanh Thép Hòa Phát Dung Quất, sản lượng bán hàng đạt kỷ lục chủ yếu nhờ nhu cầu nội địa tăng cao. Việc Chính phủ và các địa phương đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công cũng kích thích các lĩnh vực sử dụng HRC làm nguyên liệu sản xuất như gia công kết cấu nhà xưởng, sản xuất ống thép, tôn mạ và sản phẩm cơ khí khác.

Xem thêm :

Mặt khác, trong thời gian qua, do chi phí vận tải biển tăng cao và ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga – Ucraina, nguồn cung HRC nhập khẩu từ Nga và Ấn Độ về Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Do vậy, Hòa Phát đã tăng cường sản xuất mặt hàng này để cung ứng cho thị trường nội địa, góp phần giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung HRC từ nước ngoài.

Lũy kế Quý I/2022, Tập đoàn Hòa Phát đã cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước 763.000 tấn HRC, tăng 15% so với cùng kỳ 2021.

Sản lượng bán hàng thép Hòa Phát từ tháng 01 2021 đến tháng 03 2022
Sản lượng bán hàng thép Hòa Phát từ tháng 01 2021 đến tháng 03 2022

Thép cuộn cán nóng là sản phẩm công nghiệp có giá trị cao của Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất. Khu liên hợp có sản lượng 5,6 triệu tấn/năm, trong đó có 2,6 triệu tấn phôi thép, và 3 triệu tấn HRC/năm. Với lợi thế về cảng biển nước sâu, Hòa Phát dễ dàng cung ứng sản phẩm đến các khu vực thị trường trong và ngoài nước với giá thành cạnh tranh.

Tháng 3/2022, 8 ngân hàng bao gồm: Vietcombank, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Việt Nam (Agribank), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank), Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) tham gia tài trợ vốn cho dự án Dung Quất 2 của Hoà Phát.

Dự án Dung Quất 2 có quy mô trên 280 ha, nằm kề bên Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất 1. Công suất thiết kế bao gồm 5,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng (HRC)/năm. Tổng vốn đầu tư của dự án là 85.000 tỷ đồng. Dự kiến, Hòa Phát sẽ khởi công dự án Dung Quất 2 trong quý I/2022 và hoàn thành trong 3 năm kể từ ngày khởi công.

Với Dung Quất 2, Hòa Phát sẽ đầu tư dây chuyền công nghệ đồng bộ, hiện đại nhất thế giới hiện nay, sản xuất thép cuộn cán nóng từ quặng sắt. Khi dự án hoàn thành, năng lực sản xuất thép của Tập đoàn đạt 14 triệu tấn/năm, đưa Hòa Phát vào Top 30 doanh nghiệp thép lớn nhất thế giới từ năm 2025.

Dự án cũng sẽ tạo thêm việc làm cho khoảng 8.000 lao động, thúc đẩy mạnh mẽ các ngành công nghiệp cơ khí, phụ trợ của Việt Nam, đóng góp tích cực vào tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp và nguồn thu ngân sách của tỉnh Quảng Ngãi trong dài hạn.

Nhu cầu HRC đang rất lớn tại Việt Nam. Năm 2021 Việt Nam tiêu thụ khoảng 14 triệu tấn HRC, đây là sản phẩm tạo ra các sản phẩm sau thép như ống thép, tôn mạ màu, sản xuất ô tô và đồ da dụng.

Năm 2021 Hoà Phát và Formosa sản xuất được khoảng 6 triệu tấn HRC, trong khi nhu cầu sử dụng hơn 13 triệu tấn, tức là cung cấp chưa tới 50% nhu cầu thị trường. Việt Nam sẽ trở thành công xưởng của thế giới, vấn đề chỉ là thời gian. Do đó nhu cầu tiêu thụ HRC sẽ tăng trưởng hàng năm 10%, chúng tôi tính toán rằng đến 2025 Việt Nam sẽ tiêu thụ khoảng 16-17 triệu tấn HRC, nếu thêm 6 triệu tấn của Dung Quất 2 thì trong nhu cầu có thể tiêu thụ được”, ông Trần Đình Long rất tự tin về đầu ra của dự án Dung Quất 2.

BAOGIATHEPXAYDUNG.COM